BÀ NỘI TÔI
Cụ Bà Vũ Thị Châu (1890 - 1978)
Nguyễn triều sắc tứ Mệnh phụ Cung nhân - Hàm đường
(Gốc nông dân thứ thiệt)
Nguyễn triều sắc tứ Mệnh phụ Cung nhân - Hàm đường
(Gốc nông dân thứ thiệt)
Lời ru của Bà
Bà nội tôi quê gốc ở Thái Bình, Thụy Anh, Quảng Nạp. Cụ Cố thân sinh họ Vũ vào làm ăn tại Yên Thành, Nghệ An rồi lập gia đình và cư trú luôn tại đấy. Vì mến tài của Ông nội tôi nên Cụ Vũ đã gả cô con gái đầu lòng của mình cho anh đồ nghèo kiết xứ Nghệ.. Từ một cô con gái nhà khá giả, mới 20 tuổi Bà đã phải sớm tối đảm dương gánh vác giang sơn nhà chồng, dệt vải, nuôi tằm... để nuôi ông chồng - dài lưng tốn vải - ăn học, và là con đầu dâu trưởng nên còn phải lo nuôi nấng, dựng vợ gả chồng cho 4 em trai gái của chồng.
Chồng thi đỗ nhưng không chịu làm quan cho Triều đình Huế mà cứ lang bạt ra Bắc vào Trung dạy học (ông đồ) và làm thuốc Bắc, Bà vẫn là cây đại thụ chống đỡ cho cả dòng họ ở quê nhà và nuôi 3 người con trai ăn học tiếp...Sau khi phong trào Xô Viết Nghệ An bị đàn áp, triều đình Huế theo lệnh Khâm sứ Trung kỳ, triệu các nhà khoa bảng vào Kinh phong cho một chức quan vô thưởng vô phạt - thực chất là để khống chế - Bà theo chồng vào Huế mấy năm nhưng .. thấy không thể sống được trong môi trường phồn hoa giả tạo đó, lại về quê chăm mấy sào ruộng sào vườn và suốt đêm ngày kéo kẹt cái khung cửi để thay chồng đảm đương công việc trong họ trong làng. Bà chỉ mang theo về một cháu gái cho đỡ cô quạnh, là em thứ ba của tôi, năm đó mới chưa tròn 4 tuổi...
Cuộc đời Bà gắn với đồng sâu ruộng rục xã Tràng Thành và phường vàng phường vải xóm Đông.
Tôi, may mắn là cháu "đích tôn" của Bà, được Bà vô cùng yêu quý. Mạ (mẹ) tôi dân Huế nhưng theo Tây học nên ngày bé tôi không được mẹ ru. Mỗi dịp hè được về quê với Bà nội là Bà lại dành cho tôi và cô em gái tôi tình thương yêu thắm thiết nhất qua những bài hát ru, bài ví dặm đậm chất quê hương xứ Nghệ mà hàng 6. 70 chục năm sau tôi còn nhớ mãi.
Năm 2008 trong một dịp cùng với một số trí thức gốc Nghệ đang phiêu bạt mọi miền, được tỉnh ủy Nghệ an mời về quê sum họp, Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là Ông Lê Doãn Hợp bố trí cho đoàn văn công tỉnh ra biểu diễn một số tiết mục quê hương toàn là loại dân ca cải biên đại loại như : "Giận thì giận mà thương thì thương"..., tôi mới hỏi: "Trong đoàn có ai biết hát một bài hát ru hay hát dặm 100% gốc Nghệ không?" thì ...than ôi! Hoàn toàn không có. Lúc đó tôi bèn hát mấy bài ngày xưa Bà nội đã hát cho tôi nghe...mà hơn nửa thế kỷ rồi vẫn còn nguyên trong tâm trí tôi: Mọi người đều ngớ ra? Chao ôi, cái HỒN xứ Nghệ sao mà sâu đậm, chỉ tiếc sao mà các "nhà" tuyên giáo sau này mồm nói bảo tồn cái gì đâu mà quên mất cái hồn... cứ toàn chạy theo mốt mới, cải tiến cải lùi...
Nhân đây tôi xin ghi lại mấy bài Bà nội đã truyền cho tôi, sợ rằng sau đời tôi, ít còn ai nhớ lại.
* Hát ru: RU RI RU RẢ
Ru ri ru rả
Mẹ em bán cá
Thẳng buổi chợ ao
Mẹ mua yếm đào
Giải đỏ cho em
Yếm xấu quan mốt*)1
Yếm tốt quan hải
Em muốn lấy ai
Vài ba năm nữa
Để mẹ sắm sửa
Mẹ cưới chồng cho
Cưới trâu hay là cưới bò?
Cưới một con lợn cho to
Hới hờm!*)2
Ghi chú: 1- Quan: trước năm 1947 riêng ở mấy huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương ...vẫn còn dùng tiền đồng. 10 đồng là 1 tiền, 100 đồng là 1 quan tiền.
2- Hỡi hờm là từ đệm để kết thúc một bài hát ru
Hát dặm RA VỀ ÉN BẤC NHẠN ĐÔNG
Ra về én bấc nhạn đông
Đôi hàng châu lụy ròng ròng nhỏ xuôi
Em nghe tiếng bạn cười
Trong lòng sầu bát ngát
Em nghe tiếng bạn hát
Thì nước mắt dâng lên
Ai khấn Bụy nguyền Tiên
Trộ gió Nam sắc cạnh
*Dặm: Cơn gió nồm sắc cạnh
Đêm sương sa gởi lanh
Ai để nhớ để thương
Đêm năm trống canh trường
Dạ băn khoăn trằn trọc
*Dạ mình nường trằn trọc
Bỏ kinh thư không đọc
Bỏ phú lục không coi
Ai diễu cợt không cười
Ai hỏi han không nói
Bức thơ chưa đem tới
Là thơ trạm thơ trầm
Mượn con cá sang thăm
Cá ngẩn ngơ dưới nước
*Cá lơ đờ dưới nước
Bước sang cho được
Thì đối ngãi sang đây
Trăm cơn buồn mới khuây
Dạ lòng này mới nhẹ
Về thưa cùng Thầy Mẹ
Có được rứa hay không
Kẻo ra về Én Bấc Nhạn Đông...
Hỡi hờm...
Hát dặm: THIÊN VÀN CHỚ LẤY HỌC TRÒ
Thiên vàn chớ lấy học trò
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm...
Lới tục ngữ nói dèm
Tài chi em chịu được
*Tài chi nường chịu được.
Sự tình chung sau trước,
Ta than lại với nường
Chừ Sĩ Nông Công Thương
Sĩ đưng đầu hạng nhất
Nông cày bừa lật đật
Chỉ chăm sóc bốn mùa
Khi đi sớm về trưa
Nắng dãi lưng phải chịu
* Mưa dầm mình phải chịu
Công, xoi bào đục đẽo
Lo chạm trổ tối ngày
Tiền phạt mộc ..quan hai
Trao cho em được mấy?
*Gởi cho nường được mấy?
Khách buôn tơ bán giấy
Người buôn mật bán dầu
Cơn mưa thảm gió sầu
Một năm là mấy chuyến?
Chốn hồ đồ giao viễn
Khách buôn bán cũng nhiều
Lới lãi được bao nhiêu
Nói với em em nghe
Than với nường nường biết.
- Ngày ôn kinh án tuyết
Đêm sửa sáo buông mành
Đèn hạnh thắp năm canh
Chàng sôi kinh nấu sử
Mai vô thi nhất cử
Được đôi chữ giải nguyên
Nhà Thập đạo xướng tên
Ai lên vào mà dạ?
* Học trò vào mà dạ!
Chừ bút nghiên dóng dả
Vô thi Hội, thi Đình
Bảng Tiến sĩ đề danh
Đề tên anh Nhất danh, Nhất giáp
Lĩnh đai vàng thẻ bạc
Cưỡi ngựa dạo vườn hoa:
Cổ có cao mới xinh
Lưng có dài mới trổi
Đai mang mão đội
Rồi phụng chỉ vinh qui
Lĩnh cờ biển ra đi
Bậc vương công phải tránh
*Khách bộ hành phải tránh
Mia ông đi tòng chánh
Ra Kinh lược Bắc Thành
Vào tỉnh Nghệ tỉnh Thanh
Rồi Thượng thư Lục bộ
Vào chầu Thánh chúa
Mặc áo gấm thêu rồng
Lưng thắt dải kim tòng
Đội mão rồng đỏ thắm
Nay Vua ban áo gấm
Rồi mùa hạ áo thô
Nhờ lộc nước ơn vua:
Dài lưng anh hết mấy?
*Tốn vải nường hết mấy?
Nhà năm gian rộng rãi
Ai bày đặt đình trung
Chén rượu cúc trà thông
Chén quỳnh tương sóng sánh
Trên công đường mát lạnh
Ông đang giấc nghỉ trưa
Ai có việc đến thưa
Ông giấc trưa chưa dậy
Ông dậy rồi lại bẩm
Quạt nhà này ai sắm?
Giày dép nọ ai dâng"
Bạn: Ông Tú đến mừng
Mừng Ông Nho phú quý
Ai làm nên Tiến sĩ
Để chồng phượng vợ loan
Ai ơi đừng nghe lời nói : Thiên vàn...
Ghi chú: Trong bài hát dặm, kết thúc mỗi đoạn có một câu dặm, tức là câu láy lại gần như hoàn toàn câu trước, người hát chính hát xong câu trước thì cả phường "dặm" lại...Chẳng hạn"
- Ai lên vào mà dạ?- Dặm: Học trò vào mà dạ!
- Dài lưng anh hết mấy?- Dặm: Tốn vải nường hết mấy?