Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

LỄ MỪNG CÔNG TRÙNG TU TÔN TẠO NHÀ THỜ HỌ THÁI HOA THÀNH

Diễn văn Mừng công

Trùng tu tôn tạo nhà thờ họ Thái

 Hoa Thành


Kính thưa quý vị đại biểu!
      Kính thưa các vị trong hội đồng gia tộc!
            
  Thưa tất cả bà con nội ngoại của gia tộc họ Thái!

Uống nước nhớ nguồn là truyền thống muôn đời tốt đẹp của nhân dân Việt Nam.  Ngày Mồng 10 tháng 3 vừa qua, cả nước vừa mới tưng bừng phấn khởi với ngày giỗ Tổ Hùng vương.
Hôm nay đây, hòa chung với bầu không khí của địa phương hướng về ngày lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thái tộc xã Hoa Thành long trọng tổ chức: 
    Lễ Mừng công trùng tu tôn tạo Nhà thờ họ.



Lời đầu tiên tôi xin nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn sự có mặt của quý vị đại biểu, quý vị khách quý cùng toàn thể bà con, con cháu nội, ngoại đã về hội tụ, với niềm vui tươi, phấn khởi trong buổi Lễ Khánh thành Nhà thờ  họ Thái Hoa Thành hôm nay.

Kính thưa quý vị cùng bà con trong gia tộc,

Cụ Tổ dòng họ Thái ở Nghệ An là THÁI BÁ DU (1521-1602), một danh tướng thời Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam.Ông từng lập nhiều công trạng cho triều đại Lê trung hưng trong cuộc chiến Lê - Mạc phân tranh. Vì vậy ông đã được nhà Lê phong tước Thái phó Chân quận công, thăng Trung đẳng Đại vương.

Tổ tiên họ THÁI trải qua nhiều thời kỳ biến động lịch sử, đã về Nghệ An lập nghiệp từ hơn 500 năm nay.
Chi nhánh họ THÁI về định cư tại thôn Tân Mỹ xã Tràng Thành huyện Yên Thành cũng đã từ hơn ba trăm năm. Theo đời trên truyền lại đến nay thì hàng năm Họ Thái ta lấy ngày 26 tháng 10 âm lịch làm ngày giỗ tổ - tương truyền đấy là ngày vị Tổ phát tích sang phía Nam định nghiệp.

Khoảng năm 1880, sau những biến loạn do quân Pháp đàn áp văn thân, gia đình Cụ Thái Văn Thịnh (đời thứ 11) từ làng Tân Mý (Làng Bấc) chuyển về định cư tại Xóm Giữa làng Đông Xã Tràng Thành huyện Yên Thành, Nghệ An.
Vì gia cảnh khó khăn nên không có Nhà thờ họ mà chỉ bày ban thờ tổ tiên trongnhà Cố Thịnh. 

Nhà thờ họ đầu tiên do Cụ Thái Văn Tố (đời thứ 12) và con trai trưởng là Thái Văn Hòa (đời thứ 13) xây dựng nên vào năm 1932. 
Ngày giỗ họ năm ấy (26 tháng 10 năm Nhâm Ngọ) là ngày khánh thành Nhà Thờ họ Thái tại Xóm Đông (giữa), xã Tràng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Ngôi nhà thờ tuy không lớn nhưng được làm toàn gỗ lim nên qua gần 90 năm vẫn không bị hư hại nhiều, chỉ thỉnh thoảng phải dọi lại mái ngói, quét vôi lại.
Mãi đến năm 2013 mới có một đợt tu sửa lớn. Nhưng đã mấy năm qua, cũng có xuống cấp khá nhiều.  
Theo nguyện vọng của con cháu nội ngoại trong toàn gia tộc đang công tác và học tập trên mọi miền đất nước, muốn nâng cấp và xây dựng lại nhà thờ họ được khang trang nhằm thờ phụng tổ tiên, quanh năm hương khói để tỏ lòng đạo hiếu, đời đời không ngưng.Trong kỳ giỗ họ năm 2016, hội đồng gia tộc quyết định nâng cấp và xây dựng lại nhà thờ họ với kinh phí con cháu tự đóng góp tùy tâm.
Qua một thời gian ngắn, với nhiệt tình và ý thức trách nhiệm, giữ gìn đạo hiếu, đời đời nhớ công đức tổ tiên, con chấu nội ngoại trong dòng tộc đã đóng góp đủ kinh phí để trùng tu, cải tạo ngôi nhà thờ gần 100 năm tuổi.
Toàn gia tộc cũng biểu dương và ghi nhận sự tự nguyện, nhiệt tình, không tiếc thời gian, không ngại gian khổ của nhiều bà con, cô bác, con cháu hiện ngụ tại địa phương, ngoài tiền nong, còn đóng góp thêm công sức lao động, gác cả công việc nhà lại để ưu tiên tham gia xây dựng nhà thờ
Trong buổi lễ long trọng và đầy tình nghĩa này, cũng xin cho phép tôi được gửi lời cảm ơn chân thành đến:
-         Sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Ban Điều hành xây dựng nhà thờ họ,
-         Đội thợ xây dựng đã tích cực lao động đáp ứng các yêu cầu về an toàn, kỷ mỹ thuật và đảm bảo tiến độ công trình theo đúng thời gian quy định.

Gia tộc họ Thái Hoa Thành  sẽ mãi mãi ghi nhớ công sức và tấm lòng của tất cả các vị trong và ngoài họ tộc. Danh sách công đức sẽ được ghi lại trong sổ để lưu truyền lại mãi mãi về sau.
Trong dịp Lễ Khánh thành vui tươi trang trọng này, đề nghị tất cả hãy cho một tràng pháo tay thật lớn để tuyên dương những đóng góp trên.

Kính thưa quí vị, thưa bà con trong gia tộc!

Trong quá trình tổ chức thiết kế, thi công xây dựng công trình, không sao tránh khỏi những sai sót, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp nhằm tiếp tục khắc phục để nhà thờ họ Thái Hoa Thành khang trang hơn.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn quý vị khách qúy, qúy vị đại biểu và toàn thể bà con, con cháu nội ngoại đã đến dự trong buổi Lễ khánh thành nhà thờ họ Thái Hoa Thành hôm nay.

Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe và thành đạt.


Hoa Thành, ngày 15 tháng 3 năm Đinh Dậu
Tức ngày 11 tháng 4 năm 2017
Trưởng tộc: THÁI VĂN BÌNH

 

 

 

Phát biểu nhân dịp Lễ mừng công trùng tu và tôn tạo Nhà Thờ Họ Thái

 

Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa các vị trong hội đồng gia tộc!
Thưa tất cả bà con nội ngoại của gia tộc họ Thái!

 Trước hết xin cho phép tôi với tư cách hiện đang là người cao tuổi nhất trong dòng họ được tỏ lời cám ơn chân thành đến quý vị và bà con vì sự hiện diện hôm nay.
Là người cao tuổi nhất, nên tôi xin được tự xem mình là một dấu gạch nối giữa các thế hệ con cháu lớp trẻ sau này với các thế hệ ông cha ta trước đây.

So với các dòng họ lớn đã sống từ hàng 5, 600 năm ở mảnh đất này thì chi họ Thái chúng ta là một dòng họ mới được hòa nhập vào cộng đồng dân cư Tràng Thành / Hoa Thành trong vòng vài ba trăm năm, và lại là một dòng họ đinh sơ tài thiểu.
Tuy nhiên đến với cộng đồng dân cư trong vài trăm năm nay, con cháu họ Thái cũng có những đóng góp mọi mặt cho quê hương, không những chỉ làm rạng danh cho ông bà tổ tiên họ Thái chúng ta mà còn góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng vật chất và tinh thần chung cho cộng đồng, đóng góp phần nêu danh xã Tràng Thành/Hoa Thành trong cả nước.

Xưa kia, hàng 3, 400 trăm năm trước, Tràng Thành nổi danh là đất học với truyền thống của các tộc lâu đời tại địa phương như họ Phan quan Thám, họ Phan quan Quận ở làng Nam, họ Chu ở làng Bắc (làng Tân Mỹ) và với hàng chục vị khoa bảng tiền bối trong các triều Hậu Lê và Lê trung hưng trải qua các thế kỷ 16, 17, 18.
Thế nhưng kể từ cuối thế kỷ 18 thì trong suốt hơn 200 năm trong danh sách khoa bảng các triều không hề có tên của con em Tràng Thành. Để động viên, khuyến khích sự học của con em trong xã, vào cuối thế kỷ 19, triều Duy Tân, các Cụ văn thân hàng xã định ra một phần thưởng tinh thần cao quý. Người con em nào của xã có tên trong bảng vàng thi đỗ đầu tiên sau 200 năm thì trong mọi dịp hội hè, đình đám của xã được vinh dự trọn đời nhận riêng một mâm cỗ gọi là CỖ PHÁT KHOA của xã. Lệ định ra đã hàng chục năm mà vẫn chưa trao được cho ai. Một điều bất ngờ: không phải là con cháu các hào mục quyền uy hiển hách, các địa chủ ruộng thẳng cánh cò bay mà chính con của một thầy đồ nghèo, đời thứ 12 của dòng tộc chúng ta dù hoàn cảnh khó khăn nghèo túng nhưng với ý chí quyết tâm của mình và sự động viên đùm bọc của toàn dòng họ, đã vinh dự là người đỗ Cử nhân trong khoa thi Hương năm 1915 của Triều Nguyễn, mang lại vinh dự cho cả làng cả xã. Đó là Cụ Cử Nhân Thái Văn Tố, về sau đã được bổ nhiệm làm Thái y Viện Viện trưởng thăng Quang lộc tự thiếu khanh triều Nguyễn, nổi tiếng khắp 2 miền Trung – Bắc kỳ. Cụ về nghỉ hưu sơm từ năm 1943 nhưng ngay sau Cách mạng Tháng Tám, được mời ra làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt – Việt minh xã Tràng Thành rồi phó chủ tịch Mặt trặn LV-VM huyện Yên Thành. Đến năm 1955 sau khi giải phóng Miền Bắc một người học trò của cụ là Cụ Nguyễn Trung Khiêm được Hồ Chủ tịch giao thành lập Hôi Đông Y Việt Nam, cụ Nguyễn đã mời Cụ Thái ra Hà Nội chuẩn bị đề án trình lên Hồ chủ tịch nhưng việc đang bắt đầu thì cụ không may sớm qua đời nhưng tiếng thơm vẫn còn lưu truyền mãi.
Chuyển sang Tây học, người đỗ bằng cấp chính qui đầu tiên trong xã cũng là con cháu họ Thái ta. Và như vậy là từ năm 1928 họ Thái chúng ta được nhận 2 mâm cỗ PHÁT KHOA cua Xã: Thật là một niềm tự hào to lớn cho cả dòng họ!
Đến thời kỳ hiện đại, tuy chỉ là một họ nhỏ về đinh số nhưng họ ta đóng góp 4 Tiến sĩ trong số chỉ có 9 tiến sĩ của xã và cao hơn nữa, có 1 Giáo sư trong só vẻn vẹn 3 Giáo sư đại học người Hoa Thành.
Điều này đã nói lên truyền thống hiếu học của con em họ Thái ta.
Con em họ Thái xứng đáng với đôi câu đối mà Cụ Thái Văn Tố đã đề năm 1934:
         
HOAN ĐỊA CỔ LAI ĐA TUẤN KIỆT
          THÁI MÔN KẾ THẾ XUẤT TÀI ANH

Hiện nay, ngoài con cháu họ Thái đang sinh sống ở quê hương, nhiều con cháu của dòng họ đang làm ăn, sinh sống và học tập ở nhiều nơi khắp 3 miền trong nước và cả nhiều nước trên thế giới: Pháp, Mỹ, Úc,.. nhưng đều luôn tha thiết hướng về đất tổ quê cha.

 Phát huy truyền thống hiếu học lâu đời của dòng họ, chúng ta vững tin rằng con em họ Thái sẽ tiếp tục học tập rèn luyện để trở thành những công dân tốt, tương lai sẽ góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên quê hương và còn phát dương danh tiếng quê hương Tràng Thành Yên Thành Nghệ An trong cả nước và tiến đến cả trên trường quốc tế.

Kính thưa quý vị cùng bà con trong gia tộc,

Lễ mừng công trùng tu và tôn tạo Nhà thờ họ hôm nay là một mốc đánh dấu cho sự phát triển bền vững của Họ Thái ta mà cũng là một biểu tượng cho tình cảm thương yêu đoàn kết của anh chị em con cháu trong dòng họ, trong khối đại doàn kết toàn dân  của Xã Hoa Thành, của Huyện ta, Tỉnh ta và rộng ra cả toàn đất nước ta.

Mong cho con cháu muôn đời sau tiếp tục phát huy truyền thống để cho họ Thái ngày càng được rạng danh hơn nữa, xứng đáng với vị trí cộng đồng dân cư toàn Xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An tài hoa và kiên cường.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn quý vị khách qúy, qúy vị đại biểu và toàn thể bà con, con cháu nội ngoại đã đến dự trong buổi Lễ long trọng và thân mật này.
Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe và thành đạt.


Hoa Thành, ngày Rằm tháng Ba năm Đinh Dậu
Tức ngày 11 tháng 4 năm 2017

GS TS THÁI THANH SƠN

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Chân quận công THÁI BÁ DU


Tổ khởi nghiệp dòng họ Thái Bá - Đô lương, Nghệ An
Thái Bá Du (1521-1602) 
là một danh thần thời Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông là một võ tướng lập nhiều công trạng cho triều đại này trong cuộc chiến Lê-Mạc phân tranh. Ông được triều đình phong tặng danh hiệu Thái phó Chân Quận công Trung đẳng Đại vương

Thân thế

Chân Quận công Thái Bá Du sinh năm Tân Tỵ ([1521] đời vua Lê Chiêu Tông), nguyên quán tại xứ Yên Trường, huyện Lương Sơn, thuộc Châu Hoan, Đại Việt (nay thuộc xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Ông là con trai trưởng của Chưởng vệ sự Thắng Sơn hầu Thái Bá Tộc.
Nguyên tổ của ông là Thái Bá Đội, từ Vân Nam (Trung Quốc), đến ngụ ở Đông Triều vào năm 1350. Đời sau của dòng họ nổi tiếng là danh tướng của triều Lê Trung hưng. Ông nội ông là Thiên tổng binh sứ trấn Nghệ An, Thiên Khánh hầu Thái Bá Lịch. Bác ruột của ông là Thái Quang Trị cũng làm đến chức Vệ úy của triều Lê.

Sự nghiệp võ công

Xuất thân trong gia tộc làm tướng, ông được thừa hưởng sự giáo dục của gia đình về nghiệp binh. Thời trẻ, ông theo gia phụ Thái Bá Tộc chinh chiến trấn áp các cuộc nổi dậy dưới triều Lê Trang Tông, được khen ngợi là dũng lược mưu trí và can đảm hơn người. Năm Nguyên Hòa thứ 7 (1540), ông được phong chức Cai cơ, tước Nhân Lý hầu. Năm Nguyên Hòa thứ 10 (1543), ông là thuộc tướng của Hữu tướng Thái úy Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái đem quân xuống phía tây nam, đánh Mạc Kính Chương ở Phương Canh (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Khi thắng lợi về triều, ông được vua Lê Trang Tông khen ngợi và phong làm Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Nhân Lý hầu.
Năm Nguyên Hòa thứ 14 (1547), tướng nhà Mạc là Thái úy Sùng Quốc côngTrịnh Kiều đánh vào huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), ông được giao ấn tiên phong, đánh trận đầu thắng lợi, được vua khen thưởng 4 phiến bài vàng và phong làm Cẩm uy vệ, Đô Chỉ huy sứ, Ti Đô Chỉ huy sứ, tước Nhân Quận công.
Thời Lê Anh Tông, năm Chính trị thứ 13 (1570), ông cùng với Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đem quân chia làm 3 cánh tấn công quân Mạc, giành thắng lợi lớn ở Thanh Hóa  Nghệ An, được thăng phong làm Cẩm y Vệ, Chưởng vệ sự, Nhân Quận công. Cuối năm Hồng Phúc thứ 1 (1572), ông thống lĩnh quân Hậu Lê đánh thủy chiến với quân Mạc, giành thắng lợi, được thăng phong Bắc quân Đô đốc Phủ, Đô đốc Đồng tư, Nhân Quận công.
Thời vua Lê Thế Tông, năm Gia Thái thứ 3 (1576), Thạch Quận công nhà Mạc là Nguyễn Quyện đem quân tấn công Hoan Châu. Ông cùng Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và Lai Quận công Phan Công Tích (cũng là con rể của ông) đem quân phản công. Trong trận này, ông dẫn theo 8 người con trai là Thái Bá Kỳ, Thái Bá Phiên, Thái Bá Tỉnh, Thái Bá Chiến, Thái Bá Hộ, Thái Bá Phúc, Thái Bá Vinh và Thái Bá Đức cùng lập công. Vua ban chiếu chỉ khen ngợi "Chân quận công Thái Bá Du giúp rập nước nhà, công nghiệp lớn lao thật không phụ trách nhiệm", cho hưởng bổng lộc của hai huyện và trấn, phong hàm Thiếu bảo, tước Chân Quận công.
Vào năm Quang Hưng thứ 15 (1593), vua sai ông cùng các con và Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên theo Bình An vương Trịnh Tùng dẫn binh tấn công nhà Mạc nhằm chiếm lại Đông Kinh. Trong trận quyết định ở Cầu Dền, với thế áp đảo về quân số, quân Hậu Lê giành thắng lợi lớn, bắt sống vua Mạc cuối cùng là Mạc Mậu Hợp. Đóng góp không nhỏ cho chiến thắng này là đạo quân của Thái Bá Du và các con trai của mình. Vì vậy, vua Lê gia thưởng cho ông hàm Thiếu phó, tước Chân Quận công

Một nhà vinh hiển

Không chỉ riêng Thái Bá Du, ngoài em ruột là Chi Thụ Cai cơ Lương Xá hầu Thái Bá Nguyên và em rể là Thiếu Bảo Yên Quận công (không rõ tên), cả nhà ông đều góp sức cho triều đình, được vua ban cho nhiều ân sủng.
Ông có 8 người con trai. Cả 8 người đều là dũng tướng nhà Lê. Có 1 người là Phò mã, 2 người là Quận mã, cả 3 đều được phong tước Quận công. Năm người còn lại đều được phong tước hầu.
  1. Thái Bá Kỳ, Phò mã, Thái bảo Kim Quận công. Được vua Lê gả con gái là Đoan Trang Công chúa (không rõ tên). Khi mất, được phong làm "Chí Dũng Trung đẳng Đại vương", được dựng đền thờ chính ở xã Kim Lai, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương ngày nay.
  2. Thái Bá Phiên, Chi thụ Cai cơ Nam Dương hầu.
  3. Thái Bá Tĩnh, Điện tiền Đô Chỉ huy Sứ, Vạn Sơn hầu.
  4. Thái Bá Chiên, Quận mã, Phò mã Thái úy Hoành Quận công. Được chúa Trịnh gả con gái là Hiệu Từ Quận chúa (không rõ tên). Khi mất được phong "Dũng Lược Trung đẳng Đại vương", được dựng đền thờ ở xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay.
  5. Thái Bá Hộ, Cai cơ Tuấn Lộc hầu.
  6. Thái Bá Phúc, Cai cơ Văn Lộc hầu.
  7. Thái Bá Vinh, Quận mã, Phò mã Thiếu úy, Tuệ Quận công. Được chúa Trịnh gả con gái là Hiệu (khuyết) Quận chúa (không rõ tên). Đền thờ ở xã Đại Lai, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay.
  8. Thái Bá Đức, Phó Thuận hầu. Đền thờ ở xã Quỳnh Văn, huyệnQuỳnh Lưu, Nghệ An ngày nay.
Ngay cả 6 người con gái của ông cũng được gả vào nhà quyền quý:
  1. Thái Ngọc Thụy, gả cho vua Lê Anh Tông
  2. Thái Ngọc Quỳnh, gả cho chúa Triết vương Trịnh Tùng
  3. Thái Ngọc Bảo, gả cho vua Lê Thế Tông
  4. Thái Ngọc Phi, gả cho Thế Quận công (không rõ tên, có lẽ là Ngô Cảnh Hựu)
  5. Thái Ngọc Nhuận, ban đầu gả cho Lai Quận công Phan Công Tích, một danh tướng nhà Hậu Lê. Sau khi Phan Công Tích tử trận năm 1575, bà được gả cho Liêu Quận công (không rõ tên, có lẽ là Vũ Đình Trác).
  6. Thái Ngọc Điềm, gả cho con trai Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan(không rõ tên).

Tôn vinh

Thái Bá Du một đời chinh chiến lập công cho nhà Lê Trung hưng, 19 tuổi đã được phong tước hầu, hơn 60 năm cầm quân đánh nhà Mạc, phụng sự qua 5 đời vua, lập nhiều công lao trong việc thu phục lại giang sơn cho nhà Lê. Ngày 16 tháng 10 (âm lịch) năm Hoằng Định thứ 2 (1602), ông bệnh nặng và qua đời khi đã 82 tuổi. Vua Lê Kính Tông tỏ lòng thương tiếc, sắc phong ông là "Hùng Dũng Đại vương, Tiền Dương Vũ Uy Dũng Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ Chưởng vệ sự, Quân Đô đốc, Thái tử Thái phó, Chân Quận công", ban cho thụy là "Tài Lược Cương Chính phủ quân, Hùng Dũng Trung đẳng Đại vương".