Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Về những chi họ THÁI từ họ MẠC chuyển đổi sang


Aug 29, 2010 3:34 PMPublicPageviews 15 0



Về chuyện một số chi họ Thái do họ Mạc chuyển sang…
Gần đây, nhiều chi họ Thái rất băn khoăn trước việc một số chi họ khác như họ Hoàng- , họ Phan  v..v..ở địa phương đến trao đổi thông tin là : Họ Thái là do họ Mạc chuyển sang, nay “vận động” để quay về gốc họ Mạc cũ.
Một số chi họ như họ Thái Duy ở Yên Thành, Cam Lộ…họ Thái Doãn ở Hà Tĩnh v..v.. thì con cháu có  nêu chứng cứ lưu lại trong gia phả hoặc do truyền khẩu đời nọ qua đời kia về chuyện chi họ mình chính là do họ Mạc chuyển sang.
Thực hư như thế nào? Có hay không có chuyện họ Mạc chuyển sang họ Thái? Có phải tất cả các chi họ Thái đều do từ  họ Mạc chuyển sang hay không ?
Qua tìm hiểu về những chứng cứ đáng tin cậy trong lịch sử và trong các phả ký mà chúng tôi sưu tầm được hiện còn bản gốc của các chi họ : Thái Bá ở Văn Sơn, Đô Lương, Thái Nguyên ở Phù Nghĩa, Quỳnh Lưu và Thái Danh (Thanh) ở Hoa Thành, Yên Thành, xin nêu lên đây lời giải đáp cho câu hỏi băn khoăn tìm cội nguồn của hàng trăm nghìn con cháu họ Thái – chính gốc – chúng ta.
Dưới thời phong kiến ngày xưa, mỗi khi có biến động triều chính là kéo theo nhiều biến động đời sống xã hội rất lớn, thường có những vụ trả thù rất tàn nhẫn. Với quan điểm : “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” cho nên khi một dòng họ chiếm đoạt ngôi vua từ tay một dòng họ khác thì thường tìm cách tiêu diệt tận gốc dòng hoàng tộc cũ. Chẳng hạn đời Nhà Trần, sau khi đã đoạt ngôi nhà Lý từ tay Lý Chiêu hoàng sang tay Trần Cảnh, vị vua cuối cùng nhà Lý là Lý Huệ Tông đã bỏ lên chùa đi tu hòng tìm sự an thân nhưng cũng vẫn bị Trần Thủ Độ ép cho phải tự tử mà chết. Và từ đó trong dân Việt không còn họ Lý nữa, người họ Lý phải đổi sang họ hoặc có những chi  bỏ chạy lưu lạc phương xa sang tận Đại Đường, Cao Ly… khác để thóat vạ diệt tông.
Cuối đời Hậu Lê chính sự đổ nát, các vua Tương Dực và Uy Mục tham dâm vô độ, nhiều nơi dân tình bất phục, các tướng lĩnh nổi dậy chống lại Triều đình. Một võ tướng là Mạc Đăng Dung đang trấn thủ Ở Hải Dương được Vua Lê triệu về cứu giá, dẹp được phiến loạn và được trao binh quyền rất lớn. Đến năm 1526 Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tông, cướp ngôi nhà Lê lập nên nhà Mạc. xưng là Mạc Thái Tổ.
Các tướng lĩnh còn trung thành với Nhà Lê theo Nguyễn Kim khởi binh từ Thanh Hóa, đón một hoàng tử nhà Lê lúc đó lưu lạc sang Ai Lao về lập làm Lê Trang Tông là vua đầu tiên của Nhà Lê trung hưng. Sau khi Nguyễn Kim bị tướng nhà Mạc đầu độc, binh quyền về tay con rể là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm lập mưu giết con trai cả của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông, con trai thứ em Nguyễn Uông là Nguyễn Hoàng sợ bị giết tiếp bèn nhờ chị gái Ngọc Bảo – vợ Trịnh Kiểm – xin cho vào trấn thủ vùng Thuận Quảng hồi đó là nơi biên ải xa xôi ma thiêng nước độc.
Cuộc chiến giữa hai phe Mạc và Lê-Trịnh kéo dài suốt mấy chục năm cho đến năm 1592 thì Mạc Mậu Hợp bị bắt và hành hình tại Hải Dương. Nhà Mạc chính thức chấm dứt sau 65 năm nhưng tàn dư họ Mạc còn chạy lên vùng Cao Bằng, Lạng Sơn dựa vào sự hỗ trợ chi viện của quân Minh kéo dài thêm 5 đời, sau khi nhà Minh mất, đến năm 1677 đời nhà Thanh phe Lê – Trịnh mới hoàn toàn dẹp tan dư đảng nhà Mạc.
Ngay từ sau khi giết Mạc Mậu Hợp, phe Lê –Trịnh ra sức tàn sát dư đảng Nhà Mạc quyết tâm nhổ cỏ tận gốc, cứ hễ gặp người họ Mạc là giết không xét xử. Để bảo toàn sinh mạng, dòng dõi nhà Mạc cải họ, đổi sang các họ khác, nhưng để nhớ gốc rễ, họ chọn các họ có cùng bộ “Thảo đầu” – “ ++ ” như là họ THÁI, họ HOÀNG v..v..có chi còn giữ cả chữ đệm như các chi trực hệ Mạc Đăng Dung Mạc Đăng Doanh thì đổi sang họ PHAN ĐĂNG, HOÀNG ĐĂNG, các chi thuộc phái hệ Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên thì đổi sang PHAN PHÚC, HOÀNG PHÚC v..v..Như vậy là kể từ khoảng năm 1680, trong cộng đồng người Việt hầu như không có người mang họ Mạc nữa. Về sau này những người công khai mang  họ Mạc ở Việt Nam đa phần đều là cư dân  phía Nam  Trung quốc thuộc dân tộc Hán hay dân tộc Đãn mới di cư sang trong vòng ba bốn trăm năm nay – nhiều nhất là từ dòng dõi Mạc Cửu (1655), Mạc Thiên Tích ở vùng Hà Tiên Kiên Giang.
Trong số các cánh quân Lê – Trịnh từ Thanh Nghệ đánh ra Bắc, có một cánh quân chủ lực của Chân quận công THÁI BÁ DU và con trai là Kiềm quận công THÁI BÁ KỲ là những võ tướng nổi tiếng đã đánh tan quân Mạc nhiều trận và truy kích tiêu diệt nhà Mạc đến cùng. Để giữ mạng sống, dòng dõi nhà Mạc ở những vùng các cánh quân của các tướng họ Thái đuổi diệt: phía Bắc ở vùng Hải Dương, Thái Bình…phía Nam vùng Nghệ Tĩnh, Thuận Quảng… bèn bàn nhau đổi sang họ THÁI, nhân họ THÁI cũng có bộ “thảo đầu” như họ Mạc. Quả nhiên khi quân bản bộ của Thái Bá Du, Thái Bá Kỳ đánh dẹp đến vùng nào thấy người họ Thái thì không những không giết mà còn cựu mang giúp đỡ.
Chính vì vậy mà không ít chi họ Thái ở các nơi là do dòng họ Mạc, hậu duệ Nhà Mạc chuyển đổi sang. Chuyện này có ghi chép lại trong một số gia phả như bản tộc phả họ Thái Bá ở Đô Lương, bản gia phả ký chi họ Thái Danh (Thanh) ở Yên Thành, chi họ Thái nguyên ở Quỳnh Lưu v..v..
Câu chuyện xa xưa đến nay đã gần 500 năm, việc ghi chép không rõ ràng lại thất lạc qua nhiều năm. Đặc biệt : Những chi họ Thái từ họ Mạc chuyển sang thì ít nhiều còn lưu truyền lại việc đổi họ để nhớ nguồn cội nhưng các chi họ Thái chính thống thì tất nhiên chẳng có đả động gì đến mà có chăng thì chỉ ghi chép lại chiến công phù Lê diệt Mạc của tổ tiên mình mà thôi!
Gần đây, nhiều dòng họ từ họ Mạc chuyển sang, tập hợp nhau tìm lại cội nguồn, có những bà con dòng họ Thái đích thực nhưng không tỏ tường về nguồn gốc của mình nên cũng có trường hợp phân vân.
Là con cháu của dòng họ Thái, chúng tôi thấy mình có trách nhiệm và đã cố sức truy tìm thông tin, xin đăng tải lên đây để bà con trong dòng họ Thái chính gốc tham khảo, tránh ngộ nhận mà có lỗi với tiền nhân.

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Gia phả

                   Lời bạt THÁI TỘC GIA PHẢ KÝ
Jan 21, 2011 9:55 PMPublicPageviews 410

 Sông suối có nguồn, cỏ cây có gốc.
Con người ta sinh ra trưởng thành, phát triển, đường đời chuyển vận có thể  đi xa trăm nẻo ngàn phương nhưng vẫn không thể quên gốc cũ.
 Tổ tiên họ THÁI vốn gốc từ phương Bắc trải qua nhiều đời quốc biến gia biến nên đã xuống phương Nam lập nghiệp từ hơn 400 năm nay.
Chi nhánh họ THÁI về định cư tại thôn Tân Mỹ xã Tràng Thành huyện Yên Thành cũng đã từ hơn ba trăm năm. Theo đời trên truyền lại đến nay thì hàng năm Họ Thái ta lấy ngày 26 tháng 10 âm lịch làm ngày giỗ tổ - tương truyền đấy là ngày vị Tổ phát tích sang phía Nam định nghiệp.
Ngày nay con cháu họ THÁI phương trưởng thành đạt phát triển từ Bắc chí Nam trong cả nước, nhiều cháu con còn lập nghiệp sang tận đất Mỹ trời Tây…nhưng lòng vẫn luôn hướng về cội nguồn quê Cha đất Tổ.
Họ ta sau thời phát triển thịnh đạt cuối đời Lê Trung hưng thì trong một thời gian dài sau đó lâm vào cảnh suy đồi đinh sơ tài thiểu, đến đời Tổ thứ sáu là Thái công VĂN DOANH nhà bị hỏa hoạn nên phả hệ, phả ký của bổn tộc đều bị thất lạc.
 Việc nghiên cứu sưu tầm tái lập Gia phả của dòng họ là một điều tâm niệm từ nhiều đời của con cháu trong họ.
Mãi đến khoảng thế kỷ19, vị Tổ đời thứ Chín, Chi thứ Ba họ Thái Tân Mỹ là Thái công VĂN THỊNH là người học rộng hiểu nhiều mới bắt đầu bỏ công suốt mười mấy năm ròng tìm đến các chi họ Thái trong vùng như các Chi họ THÁI Xuân Lôi, Đô Lương, Quỳnh Lưu … để tìm hiểu hỏi han với các bậc tôn trưởng trong các chi họ đó đồng thời sưu tầm đối chiếu những tư liệu còn lưu giữ được trong chi họ ta với Gia phả ký, phả hệ của các Chi họ đó.
VĂN THỊNH công đã viết lại một tập phả ký bằng chữ Hán – Nôm [1] và trước lúc lâm chung đã căn dặn trưởng nam là Thái công Quang Lộc tự khanh, hàm tứ phẩm, Cử nhân VĂN TỐ (tiên tổ khảo - ông nội tôi) tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh.
Từ lúc nghỉ việc quan về hưu trí, ngoài việc làm thuốc cứu người, tâm nguyện của VĂN TỐ công là tiếp tục hoàn thành phả ký do tiên khảo để lại. Gặp thời chiến tranh loạn lạc liên miên, điều kiện đi lại các miền cũng như thông tin liên lạc khó khăn. Văn Tố công đã dày công viết một tập phả ký bổ sung cũng bằng văn tự Hán – Nôm [2], sưu tầm được thêm nhiều chi tiết thông tin quý báu nhưng vẫn chưa xem là hoàn thành tâm nguyện và di ngôn lại cho trưởng nam là tiên khảo (cha tôi)  cố công tiếp tục.
Tiên khảo VĂN HÒA công vốn người cẩn trọng chỉn chu, lại kiêm thông Quốc văn, Hán văn, và Pháp văn nên đã dịch sơ bộ bản gia phả Hán – Nôm do VĂN TỐ công chấp bút ra quốc văn và bổ sung một số tư liệu đời sau [3].
Tiên khảo cùng tôi đã nhiều lần đến nhà thờ TỔ họ THÁI ở Văn Sơn, Đô Lương, xin được bản sao gia phả Thái tộc chi THÁI BÁ – bản chữ Hán Nôm và bản chữ quốc ngữ do Cụ Cử nhân THÁI BÁ LIÊN và THÁI BÁ HUỲNH chủ trì biên dịch [5]. Cụ THÁI NGUYÊN ĐẠI, một kỳ lão ở chi họ THÁI Phù Nghĩa, Quỳnh Lưu cũng đã hỗ trợ cha con tôi rất nhiều trong việc cung cấp các bản sao gia phả chi nhánh họ THÁI ở Phù Nghĩa [7], trong đó có những chi tiết rất quý báu như là nguồn gốc phát tích từ Đô Lương và một đoạn nói về vị tổ là THÁI BÁ NĂM từ Quỳnh Lưu lên Yên Thành lập nghiệp rất trùng hợp về thời gian và về sự tích của các vị thủy tổ họ THÁI ta ở Yên Thành.
THANH SƠN tôi, năm nay 78 tuổi hiện là người niên trưởng trong họ, hiểu biết được nhiều nhất các việc đời trước so với bà con anh em trong họ, lại sớm được tham gia cùng tiên tổ khảo VĂN TỐ công và tiên khảo VĂN HÒA công trong việc khảo cứu sưu tầm tư liệu, truy tìm cội nguồn dòng họ. Nhờ phúc ấm tổ tông tôi được có điều kiện học hành mở mang tri thức, thông hiểu được nhiều ngôn ngữ, từng đi đến nhiều nước trên thế giới lại có điều kiện nghiên cứu những tư liệu về dòng họ và những phương pháp biên soạn phả ký, phả hệ theo đường lối khoa học, hiện đại qua thông tin Internet.
Trong những năm cuối đời, tôi cố tâm hoàn thành tâm nguyện của tiền nhân ba đời trước và kỳ vọng của toàn thể bà con anh em trong dòng họ, thu thập tư liệu, nhờ sự giúp đỡ của các bậc Hán học uyên thâm đương thời như là Giáo sư PHAN VĂN CÁC, nguyên Viện trưởng Viện Hán – Nôm quốc gia [4], biên soạn nên tập THÁI TỘC GIA PHẢ KÝ này nhằm lưu lại làm một tư liệu cho con cháu đời sau có điều kiện tìm hiểu về các bậc tiền nhân.
Trong cáctư liệu tham khảo có đưa ra những tư liệu cổ được sưu tầm và công bố chính thức trên mạng Internet để cho con cháu trẻ đời sau có căn cứ truy tầm [8].
Tuy nhiên vì thời gian thất thoát phả ký gốc quá lâu, nhiều tư liệu không tìm lại được nhất là một số kỵ nhật, húy nhật và vị trí mồ mả tiền nhân còn thiếu sót rất nhiều.
Tiếp theo bản phả ký này Tôi còn có tâm nguyện muốn biên soạn thêm một bản phụ biên, kể lại những sự tích rạng rỡ của tiền nhân trong họ để lưu truyền lại mãi muôn đời sau. Dù tâm nguyện đó có đạt được hay không thì cũng do ý trời, lòng người chỉ biết gắng hết sức mình mong được bà con anh em trong họ hiểu cho.
 Cuối cùng Tôi muốn nhắn nhủ và hy vọng các con cháu đời sau trong toàn dòng họ – trước hết là trưởng nam THÁI THANH TÙNG và đích tôn THÁI THANH PHONG của tôi -  sẽ tiếp tục viết thêm vào phả ký này những trang làm rạng danh dòng họ.

Tư liệu đã sử dụng:

 1. THÁI TỘC GIA PHẢ   THÁI công VĂN THỊNH soạn –  Hán Nôm  niên đại khoảng đầu thế kỷ 20 ( 1910?)
2. THÁI TỘC GIA PHẢ KÝ – THÁI công VĂN TỐ soạn – Hán Nôm  niên đại khoảng 1940 - 1950
3. Bản dịch quốc văn tài liệu 2 có bổ sung – THÁI công VĂN HÒA – niên đại khoảng năm 1975 - 1985
4. Bản dịch tài liệu 1 và 2 – Giáo sư Tiến sĩ PHAN VĂN CÁC – hoàn thành Tháng 7 năm 2009
5. Bản dịch quốc văn THÁI GIA PHỔ KÝ của Chi họ THÁI làng Phương Liên, Phủ Anh Sơn. Cử nhân Kiểm tịch THÁI BÁ LIÊN biên dịch – THÁI BÁ HUỲNH phụng sao – Tháng 8/1937 -
6. Bản sao Gia phả Họ THÁI Phù Nghĩa. Quỳnh Lưu – THÁI NGUYÊN ĐẠI cấp – Hán Nôm
7. Di bút của THÁI công VĂN TỐ và THÁI công VĂN HÒA
8. CAI name Meaning and History – Dictionary of American Family names, Oxford Univerrsity Press, ISBN 0-19-508137-4
Bản dịch: Họ Thái, Ý nghĩa và Lịch sử - Theo " Từ điển các dòng họ (nhập cư) ở Hoa Kỳ".
     Nhà xuất bản Đại học Oxford, số đăng ký ISBN 0-19-508137-4